Vườn tiêu nhà anh Nguyễn Văn Thành chỉ còn sót lại những cây cuối cùng |
Chết vì cây vông
Dọc con đường đất đỏ chạy vào khu vực Đá Bạc (Châu Đức,
Bà Rịa-Vũng Tàu) - một trong những nơi có nghề trồng tiêu phát triển
tại miền Đông Nam bộ, nhiều vườn tiêu đã trơ trụi lá. Xen lẫn trong
những vườn tiêu vừa được hạ trụ, những đám bắp mới mọc lên xanh mướt lá.
Ông Nguyễn Hồng Phúc - chủ nhân của hơn 1ha tiêu nay
được thay bằng cây bắp - ngao ngán cho biết gần 150 triệu đồng đổ vào
vườn tiêu nay có nguy cơ mất trắng vì vườn tiêu đồng loạt rớt “nọc”.
"Phá bỏ vườn tiêu mà xót xa quá, cây tiêu cũng khô theo trụ rồi...” -
ông Phúc than thở.
Sau bốn năm chăm sóc, từ đầu vụ thu hoạch chính, vườn
tiêu đã có những dấu hiệu bất thường, nhiều dây tiêu bỗng nhiên rớt trụ.
Dù thu hoạch được gần 1 tấn tiêu nhưng hơn nửa số cây tiêu trong vườn
đã bị hư hại.
“Xót lắm nhưng cũng phải phá bỏ...” - bà Tư Lý, chủ một
vườn tiêu hơn 2ha tại Đá Bạc, nói. Theo bà Tư Lý, vụ trước sản lượng
tiêu thu hoạch của gia đình lên tới hơn 10 tấn, nhưng năm nay chỉ còn
chưa tới 5 tấn.
Đầu mùa mưa năm nay, số cây tiêu rớt trụ trong vườn nhà
bà Lý càng nhiều hơn, gần một nửa diện tích tiêu bị hư hại, số còn lại
cũng không có cơ may giữ được. Hầu hết người dân trồng tiêu tại khu vực
Đá Bạc này đều đã phá bỏ vườn tiêu, một số hộ xót của chưa phá bỏ vườn
tiêu nhưng cũng không chăm sóc nữa. “Tiêu không chết nhưng trụ tiêu
chết, dù phát hiện rất sớm nhưng chẳng người nào cứu được vườn tiêu...” -
anh Nguyễn Văn Thành, người vừa xuống giống bắp trên diện tích hơn 1 ha
tiêu đã bị chặt bỏ trước đó, nói.
“Nghe nói khắp các vườn tiêu tại khu vực miền Đông Nam
bộ này chứ không riêng gì ở Đá Bạc, cây vông dùng làm trụ tiêu đều có
cùng hiện tượng chết nhanh. Nếu không có biện pháp gì ngăn chặn, e rằng
cây tiêu sẽ bị xóa sổ trên vùng đất này...”, anh Thành khẳng định.
Thân
cây vông rất mát nên được người dân chọn làm trụ tiêu, trừ một số ít hộ
có vốn lớn đầu tư xây trụ gạch. Cây vông đang tươi tốt, lá xanh tự
nhiên chuyển sang màu vàng và chỉ sau một thời gian ngắn trơ trụi lá,
thân cây khô héo và chết hẳn. Dây tiêu, sống ký sinh trên lớp vỏ của
loại cây vông này, cũng chết theo. Mùa nắng cây vông chết “lai rai”, mưa
xuống chết nhiều và trên diện rộng. Vừa có biểu hiện “bệnh” khoảng một
tuần là thân cây đã khô héo và trơ trụi lá.
|
Hơn mười năm trong nghề trồng tiêu, anh Trần Nam - chủ
vườn tiêu 1.200 cây tại Hòa Long, TX Bà Rịa - cho biết chưa bao giờ cây
vông chết hàng loạt một cách kỳ lạ như hiện nay. Gia đình anh Nam cũng
tìm cách cứu cây tiêu bằng cách mua cây cốc - cũng là một loại cây có
thể sử dụng làm trụ tiêu - thay vào.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư quá lớn, hiệu quả không cao
nên anh Nam chỉ thay thế một số ít cây tiêu có năng suất cao trong vườn.
Theo một số người dân trồng tiêu, hiện nay loại cây cốc làm trụ tiêu có
giá từ 35.000-40.000 đồng/cây, nếu chuyển sang dùng cây cốc làm trụ
tiêu, người dân phải đầu tư thêm 40-50 triệu đồng/ha, một khoản tiền quá
lớn.
Năng suất bình quân của các vườn tiêu hiện nay khoảng
1kg/trụ/năm, với giá tiêu tươi tại vườn 17.000-18.000 đồng/kg, người dân
phải mất hai năm thu hoạch tiêu mới đủ bù vào chi phí thay thế trụ tiêu
mới, chưa kể cây tiêu bị suy yếu và cần 1-2 năm để phục hồi, tính ra
phải 3-4 năm sau người trồng tiêu mới có thu nhập trở lại.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân trồng tiêu bức xúc
nhất là khi phát hiện cây vông chết hàng loạt, một số người đã nhanh
chóng liên hệ với cơ quan bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến nông... nhưng
chẳng thấy nơi nào giúp. “Lẽ ra phải có một cơ quan chức năng nào đó
đứng ra giúp nông dân chữa bệnh cho cây vông. Đằng này...” - ông Đặng
Ngọc Dũng, chủ vườn tiêu, nói. Hầu hết cây vông bị chết đều có hiện
tượng thịt thân cây chuyển sang màu sẫm, giữa thân có một lõm đen..., dù
thử dùng nhiều loại thuốc khác nhau cũng không chữa trị được bệnh cho
cây.
Trao đổi với TS, một quan chức Cục BVTV chỉ
trả lời “chưa biết nguyên nhân”. Cũng theo quan chức này, hiện tượng cây
vông chết hàng loạt đã xuất hiện từ... hai năm nay. Cục BVTV cũng đã
báo cáo hiện tượng này cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng
chưa thấy có phản hồi.
Vị quan chức này cũng thừa nhận nếu có tổ chức nghiên
cứu hiện tượng cây vông chết thì cũng mất đến... hai năm mới có kết quả,
trong khi ngành BVTV không có chức năng nghiên cứu. "Trước mắt nông dân
nên... tự cứu mình bằng cách chuyển sang sử dụng loại trụ khác thay cho
cây vông”, vị quan chức này “tư vấn”.
HẢI ĐĂNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét