Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2012

Bệnh chết nhanh cây tiêu

Bệnh chết nhanh cây tiêu do nấm Phytophthora capsici (là chủ yếu) gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm số một trên cây tiêu hiện nay ở các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum...đặc biệt là trong mùa mưa.

Bệnh có thể gây hại ở tất cả các bộ phận của cây, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là trên cổ rễ, hủy hoại mạch dẫn, làm cho việc dẫn truyền nước và dinh dưỡng nuôi cây bị ngừng trệ, cây tiêu sẽ bị héo rũ và chết rất nhanh.
Nấm Phytophthora có nguồn gốc thuỷ sinh, khi gặp mưa bệnh sẽ phát triển mạnh và ngấm ngầm gây hại bộ rễ của cây. Đến khi thấy cây chết thì thực ra bộ rễ đã bị nấm tấn công trước đó hàng tháng rồi, vì thế cây tiêu thường bị chết hàng loạt vào cuối mùa mưa.
Để hạn chế tác hại của bệnh, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp. Sau đây là một số biện pháp chính:
- Đất trồng tiêu phải cao ráo, tơi xốp, thoát nước tốt như đỉnh đồi, lưng đồi… Đất phải được phơi ải trước khi trồng.
- Vườn phải có hệ thống rãnh thoát nước tốt khi có mưa, đảm bảo gốc tiêu không bị đọng nước, ẩm ướt.
- Đắp bờ bao ngăn nước bên ngoài chảy vào vườn tiêu, nhất là những vườn nằm sát với khu vực trồng cao su. Hạn chế việc đi lại của người và gia súc từ vườn đã bị bệnh sang vườn tiêu khỏe.
- Thu gom sạch tàn dư của cây tiêu và cỏ dại trong vườn tiêu hủy trước khi trồng tiêu mới.
- Không trồng quá dày (trồng hàng cách hàng 3m, trụ cách trụ 2m), để vườn luôn thông thoáng, khô ráo.
- Sau khi đào hố trồng, khử trùng đất bằng cách cứ mỗi m2 hố trồng tưới 2 lít dung dịch nước thuốc Treppach Bul 607SL nồng độ 0,1% (tức cứ 100 ml thuốc pha với 100 lít nước). Nhớ khi tưới thuốc đất phải ẩm, nếu không hiệu quả sẽ thấp.
- Sau đó bón lót cho mỗi hố 10-20kg phân hữu cơ mục (có trộn chế phẩm Trichoderma), trộn đều phân với đất, lấp đất cao hơn thành mô rồi trồng tiêu lên trên. Không trồng sâu dưới mặt đất rồi sau này đắp đất bồi gốc thành mô.
- Không lấy giống ở những vườn tiêu đã bị bệnh. Trước khi giâm, nhúng hom vào dung dịch nước thuốc (đã nêu trên). Giâm hom xong, cứ mỗi m2 vườn giâm tưới 2 lít dung dịch nước thuốc này, sau đó cứ khoảng 20 ngày tưới nhắc lại một lần.
- Vùng thường bị bệnh gây hại nặng, nên trồng giống tiêu ít nhiễm bệnh như Lada Belantoeng, tiêu Vĩnh Linh…
- Thường xuyên dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa cây nọc, cây che bóng, dây lươn… Tỉa bớt lá ở gốc (cách mặt đất 50-60cm), để gốc tiêu thông thoáng, có ánh sáng chiếu vào.
- Không trồng xen những cây cùng là ký chủ của nấm Phytophthora vào vườn tiêu như: cà tím, cà pháo, cà chua, ớt, bầu bí, khoai sọ, cà rốt, súp lơ…
- Tăng cường bón phân hữu cơ cho cây tiêu. Nên bón mỗi năm khoảng 15-20 kg phân chuồng mục trộn với chế phẩm Trichoderma cho môt trụ tiêu. Nên sử dụng thêm phân Calcium Nitrate (Nitrat Canxi), phân bón lá Multi-K, MKP, Poly feed… để tăng cường can xi và vi lượng cho cây.
- Tránh gây vết thương ở vùng gốc, rễ tiêu để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh vào trong cây.
- Những cây bị chết hoặc bệnh nặng, phải thu gom sạch sẽ thân, lá… và bộ rễ đem tiêu hủy. Rải vào gốc vừa nhổ 0,5kg vôi bột và tưới 2-3 lít dung dịch nước thuốc (đã nêu trên) để khử trùng đất trước khi trồng lại.
- Có thể sử dụng luân phiên một số loại thuốc như: tưới Treppach Bul 607SL; phun Alpine 80WDG; tưới Mexyl MZ 72WP (Nhớ phải sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in sẵn trên nhãn thuốc). Mùa mưa, cách khoảng 20 ngày nên xử lý thuốc một lần.

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Cây vông làm trụ tiêu chết hàng loạt.. gây thiệt hại lớn cho nông dân

Vườn tiêu nhà anh Nguyễn Văn Thành chỉ còn sót lại những cây cuối cùng
Người trồng tiêu tại khu vực miền Đông Nam bộ đang đứng trước nguy cơ phá sản, tiền mất nợ mang khi hàng ngàn hecta tiêu đang bị chết trụ...
Chết vì cây vông
Dọc con đường đất đỏ chạy vào khu vực Đá Bạc (Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) - một trong những nơi có nghề trồng tiêu phát triển tại miền Đông Nam bộ, nhiều vườn tiêu đã trơ trụi lá. Xen lẫn trong những vườn tiêu vừa được hạ trụ, những đám bắp mới mọc lên xanh mướt lá.
Ông Nguyễn Hồng Phúc - chủ nhân của hơn 1ha tiêu nay được thay bằng cây bắp - ngao ngán cho biết gần 150 triệu đồng đổ vào vườn tiêu nay có nguy cơ mất trắng vì vườn tiêu đồng loạt rớt “nọc”. "Phá bỏ vườn tiêu mà xót xa quá, cây tiêu cũng khô theo trụ rồi...” - ông Phúc than thở.
Sau bốn năm chăm sóc, từ đầu vụ thu hoạch chính, vườn tiêu đã có những dấu hiệu bất thường, nhiều dây tiêu bỗng nhiên rớt trụ. Dù thu hoạch được gần 1 tấn tiêu nhưng hơn nửa số cây tiêu trong vườn đã bị hư hại.
“Xót lắm nhưng cũng phải phá bỏ...” - bà Tư Lý, chủ một vườn tiêu hơn 2ha tại Đá Bạc, nói. Theo bà Tư Lý, vụ trước sản lượng tiêu thu hoạch của gia đình lên tới hơn 10 tấn, nhưng năm nay chỉ còn chưa tới 5 tấn.
Đầu mùa mưa năm nay, số cây tiêu rớt trụ trong vườn nhà bà Lý càng nhiều hơn, gần một nửa diện tích tiêu bị hư hại, số còn lại cũng không có cơ may giữ được. Hầu hết người dân trồng tiêu tại khu vực Đá Bạc này đều đã phá bỏ vườn tiêu, một số hộ xót của chưa phá bỏ vườn tiêu nhưng cũng không chăm sóc nữa. “Tiêu không chết nhưng trụ tiêu chết, dù phát hiện rất sớm nhưng chẳng người nào cứu được vườn tiêu...” - anh Nguyễn Văn Thành, người vừa xuống giống bắp trên diện tích hơn 1 ha tiêu đã bị chặt bỏ trước đó, nói.
“Nghe nói khắp các vườn tiêu tại khu vực miền Đông Nam bộ này chứ không riêng gì ở Đá Bạc, cây vông dùng làm trụ tiêu đều có cùng hiện tượng chết nhanh. Nếu không có biện pháp gì ngăn chặn, e rằng cây tiêu sẽ bị xóa sổ trên vùng đất này...”, anh Thành khẳng định.
Thân cây vông rất mát nên được người dân chọn làm trụ tiêu, trừ một số ít hộ có vốn lớn đầu tư xây trụ gạch. Cây vông đang tươi tốt, lá xanh tự nhiên chuyển sang màu vàng và chỉ sau một thời gian ngắn trơ trụi lá, thân cây khô héo và chết hẳn. Dây tiêu, sống ký sinh trên lớp vỏ của loại cây vông này, cũng chết theo. Mùa nắng cây vông chết “lai rai”, mưa xuống chết nhiều và trên diện rộng. Vừa có biểu hiện “bệnh” khoảng một tuần là thân cây đã khô héo và trơ trụi lá.
“Dân cần, quan trễ"
Hơn mười năm trong nghề trồng tiêu, anh Trần Nam - chủ vườn tiêu 1.200 cây tại Hòa Long, TX Bà Rịa - cho biết chưa bao giờ cây vông chết hàng loạt một cách kỳ lạ như hiện nay. Gia đình anh Nam cũng tìm cách cứu cây tiêu bằng cách mua cây cốc - cũng là một loại cây có thể sử dụng làm trụ tiêu - thay vào.
Tuy nhiên, do vốn đầu tư quá lớn, hiệu quả không cao nên anh Nam chỉ thay thế một số ít cây tiêu có năng suất cao trong vườn. Theo một số người dân trồng tiêu, hiện nay loại cây cốc làm trụ tiêu có giá từ 35.000-40.000 đồng/cây, nếu chuyển sang dùng cây cốc làm trụ tiêu, người dân phải đầu tư thêm 40-50 triệu đồng/ha, một khoản tiền quá lớn.
Năng suất bình quân của các vườn tiêu hiện nay khoảng 1kg/trụ/năm, với giá tiêu tươi tại vườn 17.000-18.000 đồng/kg, người dân phải mất hai năm thu hoạch tiêu mới đủ bù vào chi phí thay thế trụ tiêu mới, chưa kể cây tiêu bị suy yếu và cần 1-2 năm để phục hồi, tính ra phải 3-4 năm sau người trồng tiêu mới có thu nhập trở lại.
Tuy nhiên, điều mà nhiều người dân trồng tiêu bức xúc nhất là khi phát hiện cây vông chết hàng loạt, một số người đã nhanh chóng liên hệ với cơ quan bảo vệ thực vật (BVTV), khuyến nông... nhưng chẳng thấy nơi nào giúp. “Lẽ ra phải có một cơ quan chức năng nào đó đứng ra giúp nông dân chữa bệnh cho cây vông. Đằng này...” - ông Đặng Ngọc Dũng, chủ vườn tiêu, nói. Hầu hết cây vông bị chết đều có hiện tượng thịt thân cây chuyển sang màu sẫm, giữa thân có một lõm đen..., dù thử dùng nhiều loại thuốc khác nhau cũng không chữa trị được bệnh cho cây.
Trao đổi với TS, một quan chức Cục BVTV chỉ trả lời “chưa biết nguyên nhân”. Cũng theo quan chức này, hiện tượng cây vông chết hàng loạt đã xuất hiện từ... hai năm nay. Cục BVTV cũng đã báo cáo hiện tượng này cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhưng chưa thấy có phản hồi.
Vị quan chức này cũng thừa nhận nếu có tổ chức nghiên cứu hiện tượng cây vông chết thì cũng mất đến... hai năm mới có kết quả, trong khi ngành BVTV không có chức năng nghiên cứu. "Trước mắt nông dân nên... tự cứu mình bằng cách chuyển sang sử dụng loại trụ khác thay cho cây vông”, vị quan chức này “tư vấn”.
HẢI ĐĂNG